Buôn Ma Thuột không “dây mơ rễ má” gì với chàng trai đất Quảng Nam Trần Quốc Tùng, nhưng lại có quá nhiều duyên nợ để quyết định dành trọn tuổi trẻ và hoài bão vào việc thay đổi cách nhìn lẫn cách dùng đặc sản cà phê vùng cao nguyên đất đỏ bazan.
Khi được hỏi lý do bỏ đô thành và công việc đang rất ổn định ở Tập đoàn Nghiên cứu thị trường GfK để lên Buôn Ma Thuột lập nghiệp, Trần Quốc Tùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tây Nguyên – Azzan Fresh Coffee trả lời bằng câu thành ngữ: “Ly hương bất ly nông”.
Anh có thể rời vùng quê nghèo khó, khắc nghiệt đi lập nghiệp phương xa, có thể kinh doanh những mặt hàng công nghệ mới nhất…, nhưng lại chẳng thể từ bỏ niềm đam mê nông nghiệp.
Bỏ phố về buôn
Gặp Trần Quốc Tùng tại TP.HCM, cũng như nhiều thanh niên trẻ, sáng cuối tuần, Tùng “đóng đô” ở quán cà phê. Tuy nhiên, anh không đơn thuần đến để tán chuyện, gặp gỡ bạn bè.
Hơn hai năm trở lại đây, thói quen khi đến quán cà phê của anh là nhâm nhi cà phê để tìm hiểu mùi vị cà phê ở quán ấy như thế nào, bao nhiêu phần trăm là cà phê, bao nhiêu là hương liệu… Tùng cho biết: “Càng đi nhiều, càng buồn khi biết được công thức làm cà phê chung hiện nay là cà phê + đậu nành + bơ + caramel + hương liệu hóa chất”.
Sống ở xứ sở cà phê, xuất khẩu cà phê đứng thứ hai trên thế giới nhưng người dân Việt Nam đa phần uống cà phê không thuần khiết. Ý nghĩ này đã khiến Tùng ray rứt từ rất lâu, cho đến khi anh nhập cuộc cũng vẫn chưa nguôi. Anh kể, ngày đó, đảm nhận công tác khảo sát thị trường cho GfK, có dịp đi nhiều nơi nhưng anh đã “phải lòng” vùng đất Buôn Ma vì khí hậu, thổ nhưỡng và cả con người.
Tuy nhiên, ngay khi đã kiếm được số vốn kha khá bằng việc phân phối điện thoại ở “thiên đường cà phê”, anh quyết định phải nhập cuộc ngay để giải quyết nghịch lý khiến mình ấm ức bao năm. Lập trang trại, trồng trọt, nhập máy móc…, mọi công việc với Tùng đều mới mẻ nhưng anh lao vào làm với tất cả đam mê.
“Tôi muốn làm ra một thương hiệu cà phê sạch từ nguồn nguyên liệu đến chế biến, đóng gói…, có như vậy mới không bị nhầm lẫn trong hàng trăm thương hiệu cà phê khác”, Tùng chia sẻ. Azzan ra đời dưới bàn tay người chủ đầy tâm huyết như vậy nên nhanh chóng chinh phục được khách hàng ở Anh, Hà Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore…
Mang cà phê buôn xuống phố
Phản hồi tích cực từ phía khách hàng ở các nước nhập khẩu cà phê Azzan chính là động lực để Trần Quốc Tùng tự tin hơn. Tuy nhiên, chiến lược của Tùng có phần ngược: xuất ngoại trước rồi mới tới thị trường trong nước.
Tùng chia sẻ: “Hoàn toàn khác biệt với gu thưởng thức cà phê nguyên chất của người nước ngoài, người Việt bao năm qua đã quen uống cà phê sánh, đậm, đắng… do có “sự góp sức” của hóa chất, hương liệu. Tôi chọn xuất khẩu trước khi tung ra thị trường trong nước để đo được đúng thị hiếu người dùng”.
Anh cho biết thêm, việc sản xuất và thói quen dùng cà phê hương liệu ở Việt Nam hiện nay cũng đang bị lên án và phê phán nhiều nên cà phê sạch, nguyên chất đang được nhìn với con mắt cởi mở hơn.
Người tiêu dùng đã bắt đầu chấp nhận mở hầu bao cho cà phê chất lượng cao, đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Nhờ vậy mà việc đưa Azzan ra thị trường trong nước đang thuận lợi hơn rất nhiều so với thời gian trước.
Tuân thủ nguyên tắc sạch từ nông trại đến… bàn uống, Azzan sử dụng nguyên liệu chính lấy từ nông trường 60ha của mình, thêm vào đó là nguồn cà phê cam kết sản xuất theo tiêu chuẩn 4C ở các vùng nguyên liệu khác. Hòa trộn nhiều loại cà phê theo các tỷ lệ khác nhau và bí quyết rang của Azzan để có mùi vị riêng.
Hiện Azzan có 6 dòng cà phê sạch cung cấp cho thị trường. Tùng tiết lộ, anh đang thử nghiệm hai dòng cà phê “huyền thoại” là cà phê chồn (nuôi) và cà phê voi (cà phê ngà đen) để tạo nét chấm phá trong danh mục sản phẩm của mình.
“Lần đầu thử Azzan, người ta sẽ chê ngay vì không đắng, không sánh, không có nhiều hương vị, nhưng chỉ cần thử đến lần thứ hai, thứ ba, người dùng sẽ cảm nhận được sự khác biệt và tin dùng”, Tùng tự tin. Tuy nhiên, để thuyết phục được khách hàng cho những lần thử tiếp theo là hoàn toàn không dễ dàng. Với Tùng, đó là thách thức lớn nhất trong dự án nhân rộng mô hình sản xuất cà phê sạch.
Để giải bài toán khó ấy, Trần Quốc Tùng đang tiến đến liên kết đầu tư sản xuất máy rang cà phê loại nhỏ theo mô hình máy rang của Đức nhưng giá “mềm” hơn để chào hàng các quán cà phê.
“Nếu có chiếc máy này, các quán cà phê có thể triển khai việc xay rồi pha tại chỗ cho khách hàng, đảm bảo được độ tinh khiết của cà phê. Việc này sẽ giúp tạo thói quen dùng cà phê không hương liệu”, Tùng nói. Anh biết con đường phía trước còn rất dài vì đích đến cuối cùng của anh không chỉ là lợi nhuận.
DOANH NHÂN SÀI GÒN